
Nguyên gốc bài viết này được đăng trên trang CNBC vào ngày 5/11/2019. Các số liệu trong bài đã được chúng tôi cập nhật theo thông tin mới nhất hiện nay.
Việc điều hành một công ty công nghệ đẳng cấp thế giới với vốn hoá thị trường hơn 133 tỷ USD (254 tỷ USD tính đến năm 2024) cũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho nhân viên được tạm gác công nghệ sang một bên và dành thời gian tĩnh lặng cho bản thân.
Đó là chia sẻ của Marc Benioff – Chủ tịch, đồng CEO và nhà sáng lập của Salesforce, công ty phần mềm có trụ sở tại San Francisco.
Với mục tiêu đó, hơn một nửa văn phòng của Salesforce đều có “góc tỉnh thức” (mindfulness zone) trên mỗi tầng, nơi nhân viên có thể để điện thoại sang một bên và dành vài phút yên tĩnh. Theo Benioff, điều này giúp khơi thông tư duy và thúc đẩy sáng tạo.
“Sáng tạo là một trong những giá trị cốt lõi tại Salesforce và đã ăn sâu vào văn hóa của chúng tôi. Mọi thứ bắt đầu từ tư duy của từng cá nhân – bạn cần nuôi dưỡng một ‘tâm thế của người mới bắt đầu’,” Benioff chia sẻ trong một báo cáo của Harvard Business Review Analytic Services (HBRAS), do Mastercard ủy quyền.
“Tâm thế người mới bắt đầu là cách nhìn nhận thế giới bằng con mắt mới mẻ, không bị bó buộc bởi kinh nghiệm hay suy nghĩ lối mòn – vốn dễ tạo ra những điểm mù và khiến ta bỏ lỡ cơ hội. Để khuyến khích điều đó, chúng tôi có các ‘khu vực tỉnh thức’ trên mỗi tầng văn phòng, nơi nhân viên có thể bỏ điện thoại vào giỏ và sắp xếp, dọn dẹp lại tâm trí,” ông nói.
Khái niệm “tâm thế người mới bắt đầu” bắt nguồn từ triết lý Thiền của Nhật Bản, gọi là “shoshin” – tức là giữ được sự cởi mở, không phán xét với một vấn đề, ngay cả khi bạn đã am hiểu về nó. Ý tưởng này cho rằng khi bạn tiếp cận một tình huống hay nhiệm vụ với sự tò mò chân thành, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy bản chất vấn đề hơn, thay vì bị ràng buộc bởi những điều đã biết hoặc những định kiến cá nhân.
Dù hiện là một lãnh đạo cấp cao với khối tài sản hơn 7 tỷ USD (tính đến năm 2024 là hơn 9 tỷ USD theo Forbes), Marc Benioff cho biết ông vẫn luôn rèn luyện để giữ cho mình một “tâm thế của người mới bắt đầu”, và điều đó có ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách lãnh đạo của ông.
“Tôi đang cố gắng lắng nghe một cách sâu sắc, và chính tâm thế của người mới bắt đầu đã nhắc tôi lùi lại một bước – để tạo ra điều gì đó mới mẻ, thay vì lặp lại những gì đã có sẵn,” ông chia sẻ với New York Times vào năm 2018. “Tôi hiểu rằng tương lai không phải là sự lặp lại của quá khứ. Tôi biết mình phải hiện diện trọn vẹn ở thời điểm hiện tại.”
Với nhân viên Salesforce, việc giữ vững tinh thần “tâm thế của người mới bắt đầu” cũng là một cách để duy trì văn hóa khởi nghiệp trong công ty – ngay cả khi doanh thu đã đạt hơn 13 tỷ USD mỗi năm (gần 38 tỷ USD tính đến năm 2024) và số lượng nhân viên đã vượt mốc 40.000 người (76.000 người tính đến năm 2024) , theo Benioff trong báo cáo từ Harvard Business Review Analytic Services.
Báo cáo này cũng chỉ ra rằng văn hóa khởi nghiệp là một trong năm yếu tố cốt lõi giúp xây dựng một doanh nghiệp sáng tạo. Bốn yếu tố còn lại bao gồm: tốc độ, ra quyết định dựa trên dữ liệu, cam kết đổi mới từ lãnh đạo cấp cao và sự tập trung không ngừng vào khách hàng.
Benioff không phải là lãnh đạo công nghệ duy nhất tin vào tầm quan trọng của “tâm thế của người mới bắt đầu”. Jeff Bezos – nhà sáng lập kiêm CEO của Amazon – cũng cho rằng những công việc xuất sắc nhất thường đến từ sự kết hợp giữa tư duy của người mới bắt đầu và vốn kiến thức sâu rộng.
“Những nhà phát minh giỏi nhất là người có chuyên môn cao trong một lĩnh vực cụ thể, nhưng đồng thời vẫn giữ được tâm thế khởi đầu. Và điều đó không hề dễ,” Bezos chia sẻ với tạp chí Fortune năm 2016. “Nếu bạn muốn sáng tạo và tiên phong, thì đây là điều bắt buộc. Bởi thế giới đã quá phức tạp và đầy ắp những phát minh trước đó, nên nếu bạn chỉ đơn thuần là một người mới, ngây thơ, thì rất khó để tạo ra thứ gì thực sự có giá trị. Vì vậy, bạn cần phải là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, nhưng cũng phải tìm cách để sự am hiểu đó không khiến bạn trở nên cứng nhắc hay hoài nghi.”
Mục tiêu – theo Bezos – là nếu bạn sáng tạo ra một điều gì đó mới, thì nó phải mang tính cách mạng thực sự, chứ không chỉ là phiên bản cải tiến của thứ đã có sẵn.
“Đó cũng là điều mà Amazon làm rất tốt về mặt văn hóa. Chúng tôi sẵn sàng học kỹ năng mới, sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả để bước vào lĩnh vực mới,” Bezos nói. “Bạn phải bỏ ra rất nhiều công sức để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực, nhưng đồng thời vẫn phải giữ được tâm thế khởi đầu – để cuối cùng có thể tạo ra một sản phẩm khác biệt thực sự, chứ không phải chỉ là một bản sao nâng cấp.”
Nếu bạn nghĩ rằng các “góc tỉnh thức” của Salesforce chỉ là một đặc quyền hào nhoáng kiểu công ty công nghệ, thì thực tế có bằng chứng cho thấy việc tạm rời xa điện thoại thực sự giúp bạn suy nghĩ ở một cấp độ cao hơn.
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017 bởi nhóm các giáo sư và nhà khoa học đã chỉ ra rằng, chỉ cần điện thoại thông minh ở gần bạn thôi cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tư duy.
“Kết quả cho thấy chỉ riêng việc chiếc điện thoại hiện diện bên cạnh đã làm giảm năng lực nhận thức sẵn có và ảnh hưởng đến hiệu quả tư duy – ngay cả khi người dùng nghĩ rằng họ vẫn đang tập trung tốt vào công việc,” theo nghiên cứu có tiêu đề “Brain Drain: The Mere Presence of One’s Own Smartphone Reduces Available Cognitive Capacity” (Tạm dịch: “Sự cạn kiệt trí óc: Chỉ cần điện thoại ở gần đã làm giảm khả năng nhận thức”), được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Người tiêu dùng (Journal of the Association for Consumer Research).