Tỉnh thức giữa những hỗn loạn

Câu chuyện được trích từ cuốn The Mindfulness and Character Strengths Workbook của Tiến sĩ Ryan M. Niemiec, do Nhà xuất bản Hogrefe phát hành năm 2023. Bản dịch tiếng Việt thuộc bản quyền của Flourishing Vietnam.

Ảnh: Tim Mossholder (Unsplash)

Tôi có một khởi đầu khá tệ vào một buổi sáng đầu năm 2022. Trường học vừa cho biết sẽ đóng cửa cả tuần, như vậy vợ chồng tôi – cả hai đều đi làm toàn thời gian – sẽ phải xoay xở để trông ba đứa con trong những ngày sắp tới. Dĩ nhiên là chúng cần ăn, uống và rất nhiều sự quan tâm chăm sóc! Sau đó hai đứa nhỏ bị ốm. Thế là chúng tôi phải tìm cách đưa chúng đi khám, mà theo quy định phòng dịch COVID lúc đó, bác sĩ không thể khám cả hai cùng lúc. Vậy là hai chuyến đi đến phòng khám là điều không thể tránh khỏi – và phải đi càng sớm càng tốt.

Những căng thẳng cứ chồng chất khiến tôi ngày càng bực bội. Tôi bắt đầu phản ứng tiêu cực, than vãn với vợ về đủ thứ trên đời. Trong đầu tôi tràn ngập áp lực về các cuộc họp trong ngày, những người đang chờ phản hồi từ tôi về các dự án, những bài viết cần hoàn thành và những nghiên cứu chưa kịp làm.

Nhận thức được những cảm xúc tiêu cực của mình, tôi quyết định tận dụng sức mạnh của góc nhìn sâu rộng. Tôi tự nhủ: “Ryan, ra ngoài dắt chó đi dạo đi.” Và tôi nghe theo. Ngay khi bước ra khỏi ngôi nhà đầy tiếng khóc trẻ con và áp lực, tôi bắt đầu thực hành buông bỏ – một kiểu khoan dung cho chính mình. Bước đi trong khu rừng và khu phố gần nhà, tôi chợt cảm nhận rõ hơn sự sống động của thế giới xung quanh, trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên. Tinh thần tôi dần phấn chấn hơn, và với sự lạc quan vừa tìm lại được, tôi nhắn tin cho vợ: “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.”

Tôi quay về nhà, sẵn sàng đương đầu với ngày mới và những khó khăn đang chờ phía trước.

Một giờ sau, khi đang lái xe đưa con gái đi khám, tôi không chỉ làm đổ nước mà còn làm đổ cả cà phê (thường thì tôi chỉ làm đổ một trong hai). Tôi thích dùng cốc không nắp hơn là bình có nắp, và lần này cà phê đã tạo thành một vũng hình vuông hoàn hảo trong ngăn đựng đồ vuông bằng nhựa của ô tô, sâu khoảng 1,2 cm.

Cô con gái sáu tuổi của tôi nhìn vũng cà phê hình vuông ấy (lần đầu tiên nó nhìn thấy) liền thốt lên với vẻ ngạc nhiên đầy thích thú, bất chấp cổ họng đau rát và cơn đau đầu:

“Wow, nhìn kìa!”

“Trông hay thật” tôi gật gù, trầm trồ quan sát vũng cà phê hình vuông đen tuyền. “Bố phải lau nó đi thôi.”

“Ôi, bố để đó được không? Con thích nhìn nó lắm.”

“Đúng là nhìn hay đấy, nhưng mỗi lần bố rẽ xe, vũng cà phê sẽ tràn ra sàn. Thế nên tốt nhất là lau nó đi.”

“Vâng ạ”

Phần còn lại của ngày trôi qua với các công việc quen thuộc: đưa con đi khám, mua thuốc, họp hành, viết lách, chăm sóc lũ trẻ, đọc sách buổi tối và tập thái cực quyền. Không còn những phản ứng, chỉ đơn giản là đón nhận từng thử thách khi chúng đến.

Một ngày sau, tôi nhìn lại ngày hôm trước. Bề ngoài, chẳng có gì quá đặc biệt. Nếu phải tóm tắt, tôi chỉ có thể nói: “Khởi đầu khó khăn, nhưng mọi chuyện cuối cùng cũng ổn.”

Nhưng vào cuối ngày, tôi có cơ hội nhìn lại hôm trước kỹ càng hơn qua cuộc trò chuyện với một người bạn có khả năng lắng nghe tuyệt vời. Nhờ cô ấy, tôi chợt nhận ra một góc nhìn mới về ngày hôm qua của mình.

Đây là bản tóm tắt mới của tôi:

  • Khi tự đánh giá bản thân, tôi ngay lập tức tập trung vào những gì đã “sai sót”, đặc biệt là sự phản ứng vội vàng và những bực bội vào buổi sáng. Cả ngày dường như bị nhuốm màu bởi những cảm xúc đó.
  • Vòng luẩn quẩn từ căng thẳng dẫn đến những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, rồi lại dẫn đến căng thẳng, và cứ quay vòng như vậy, hoàn toàn có thể thay đổi. Ta có thể tạo ra một vòng tròn tích cực: từ mindfulness đến một sức mạnh nhân cách, rồi từ đó lan tỏa sang một sức mạnh khác, giúp ta có sự chú tâm sâu sắc hơn và tiếp tục xoay vòng. Với tôi, mindfulness dẫn đến tha thứ, rồi đến tình yêu thương, hy vọng, sự sáng tạo… cứ thế xuyên suốt cả ngày. Vòng tròn tích cực khởi đầu bằng việc sử dụng một sức mạnh nhân cách theo cách có ý thức, giúp tôi vững vàng hơn trước những khó khăn, thử thách và bất ngờ xảy đến.
  • Tôi đã duy trì sự hiện diện và mindfulness thường xuyên hơn tôi nghĩ. Những khoảnh khắc như nhận diện sự căng thẳng ngay khi nó xuất hiện, dành trọn vẹn sự chú ý cho con gái tôi, hay chủ động vận dụng các sức mạnh khác nhau vào những tình huống khó khăn, đều là minh chứng cho điều đó.
  • Khi nhìn lại ngày một cách sâu sắc hơn, tôi hiểu rằng mình đã làm tốt hơn so với những gì bản thân mình nghĩ. Tôi đã vận dụng nhiều phẩm chất tích cực hơn tôi nghĩ. Mindfulness và sức mạnh nhân cách luôn là cơ hội có sẵn ở mọi thời điểm.
  • Nếu không dành thời gian để suy ngẫm sâu sắc và có một cuộc trò chuyện tỉnh thức, có lẽ tôi đã bỏ lỡ tất cả những nhận thức quý giá này.

Tài liệu tham khảo

Niemiec, R. M. (2023). The mindfulness and character strengths workbook. Hogrefe Publishing GmbH.

NHỮNG CÂU CHUYỆN KHÁC

Menu