Mindfulness và Mindful Living

Trong môi trường kinh doanh biến động không ngừng và đầy áp lực ngày nay, các nhà lãnh đạo phải đối mặt với những thách thức đòi hỏi sự nhạy bén trong việc ra quyết định, khả năng nâng cao hiệu suất và sự kiên cường trước những khó khăn phức tạp. Chính vì thế, mindfulnessmindful living – lối sống tỉnh thức – ngày càng thu hút sự chú ý nhờ những lợi ích vượt trội mà chúng mang lại. Những thực hành này không chỉ giúp tăng cường sự kiên cường (resilience), khả năng thích ứng (adaptability), mà còn nâng cao sự sáng suốt, trí tuệ cảm xúc và lòng đồng cảm, đồng thời giảm bớt căng thẳng và lo âu.

Mindfulness không chỉ là một thực hành cá nhân mà còn là một kỹ năng lãnh đạo mang tính đột phá. Khi các nhà lãnh đạo áp dụng mindfulness, họ không chỉ giữ được sự bình tĩnh và sáng suốt trong những thời điểm khó khăn nhất mà còn lan tỏa năng lượng tích cực, truyền cảm hứng cho đội ngũ của mình. Điều này tạo nên một văn hóa làm việc hài hòa, nơi mỗi thành viên cảm thấy được lắng nghe, trân trọng và có sự kết nối sâu sắc với mục tiêu chung của tổ chức.

Việc tích hợp mindfulness vào lãnh đạo và quản trị tổ chức không chỉ giúp giảm áp lực mà còn khai phá tiềm năng sáng tạo, thúc đẩy sự hợp tác và nâng cao chất lượng phúc lợi toàn diện. Đây chính là chìa khóa để xây dựng một nền tảng bền vững, mở đường cho sự thành công lâu dài trong cả quản trị nhân sự lẫn vận hành tổ chức.

Bài viết này hướng tới việc cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về mindfulness và lối sống tỉnh thức trong bối cảnh Việt Nam, giúp các nhà lãnh đạo và tổ chức tiếp cận và ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn.

Hiểu về Mindfulness

Thuật ngữ mindfulness chỉ mới trở nên phổ biến tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, từ hàng nghìn năm trước, người Việt Nam đã thực hành những nguyên lý của mindfulness khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ Ấn Độ. Những thực hành này có nguồn gốc sâu xa từ Phật giáo, và tại Việt Nam, các giáo lý Phật giáo đã được tiếp nhận một cách tự nhiên, dễ dàng hòa quyện với văn hóa bản địa. Thực tế, bản sắc văn hóa Việt Nam ngay từ buổi đầu của nền văn minh đã được định hình bởi những giá trị cốt lõi và nguyên lý sâu sắc của Phật giáo.

Ngày nay, mindfulness và lối sống tỉnh thức (mindful living) đang thu hút sự chú ý và được phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Thực hành mindfulness đã vượt ra khỏi phạm vi tôn giáo, trở thành một xu hướng phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng. Sự phổ biến này phần lớn nhờ vào việc thế tục hóa các thực hành chiêm nghiệm vốn mang tính tâm linh. Việc giữ nguyên thuật ngữ mindfulness bằng tiếng Anh khi du nhập vào Việt Nam thể hiện mục tiêu tách rời khái niệm này khỏi các khuôn khổ tôn giáo, để ứng dụng nó trong đời sống hiện đại.

Tại Việt Nam, mindfulness hiện đang được giảng dạy và thực hành qua các chương trình dựa trên khoa học, đặc biệt là các nghiên cứu phương Tây. Những hiệu quả của mindfulness đã được chứng minh rõ ràng, từ việc giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần đến phát triển nhận thức và điều hoà cảm xúc. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu khoa học tại Việt Nam về mindfulness ngày càng được quan tâm, tập trung vào việc ứng dụng mindfulness để giải quyết các vấn đề cụ thể như áp lực công việc, sức khỏe tâm lý và giáo dục. Đồng thời, các nghiên cứu này cũng khám phá cách điều chỉnh các thang đo mindfulness phù hợp với bối cảnh văn hóa Việt Nam, cũng như tích hợp mindfulness vào các hoạt động học tập và phục vụ cộng đồng.

Trong khoa học phương Tây, mindfulness được xem là một khái niệm đa chiều. Dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau, các học giả đều thống nhất rằng cốt lõi của mindfulness nằm ở sự ý thức (awareness), sự chú tâm (attention) và sự chấp nhận (acceptance) mọi hiện tượng đang diễn ra trong giây phút hiện tại – suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác, môi trường xung quanh – với thái độ cởi mở, hiếu kỳ, và không phán xét, không để tâm trí bị cuốn theo. Đây là một năng lực tự nhiên vốn có của mỗi người, nhưng để phát huy tối đa tiềm năng của mindfulness, cần có sự thực hành đều đặn và kiên trì.

Nhờ những tiến bộ trong nghiên cứu và ứng dụng, mindfulness đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại tại Việt Nam, giúp con người tìm được sự cân bằng, bình an và kết nối sâu sắc hơn với bản thân và thế giới xung quanh.

Tại Sao Mindfulness Quan Trọng Đối Với Lãnh Đạo và Tổ Chức

Mindfulness mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là trong việc lãnh đạo và quản lý tổ chức. Mindfulness có thể giúp các nhà lãnh đạo đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao phúc lợi cho tất cả các thành viên trong tổ chức.

  1. Cải thiện khả năng ra quyết định: mindfulness giúp các nhà lãnh đạo giảm thiểu cảm xúc tiêu cực và sự căng thẳng khi ra quyết định. Điều này dẫn đến những quyết định sáng suốt, có tính toán và phù hợp với lợi ích lâu dài của tổ chức.
  2. Tăng cường trí tuệ cảm xúc và đồng cảm: Lãnh đạo tỉnh thức có thể nhận diện và hiểu được cảm xúc của chính mình cũng như của người khác, từ đó tạo ra sự kết nối và giao tiếp hiệu quả với nhân viên.
  3. Giảm căng thẳng và ngăn ngừa kiệt sức: Thực hành mindfulness giúp giảm bớt căng thẳng trong công việc, giúp các nhà lãnh đạo giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt và ngăn ngừa tình trạng kiệt sức.
  4. Tạo ra môi trường làm việc sáng tạo và hợp tác: Khi lãnh đạo áp dụng mindfulness, họ không chỉ tự thay đổi mà còn tạo ra một môi trường làm việc tích cực, nơi các thành viên trong đội ngũ có thể tự do sáng tạo và đóng góp ý tưởng.
  5. Xây dựng sự gắn kết và cam kết lâu dài: Lãnh đạo tỉnh thức tạo ra một sự gắn kết mạnh mẽ với nhân viên, giúp xây dựng một đội ngũ đoàn kết, gắn bó với mục tiêu chung của tổ chức.

Mindful Living – Lối Sống Tỉnh Thức

Mindfulness, mặc dù được khen ngợi rộng rãi vì những lợi ích mà nó mang lại, cũng không thiếu những chỉ trích. Một trong những lời phê bình phổ biến nhất là sự làm mất bản chất của mindfulness (denatulized), khi những phương pháp này, vốn xuất phát từ phương Đông, lại bị tách rời khỏi bối cảnh văn hóa nguyên bản khi được áp dụng ở phương Tây. Các nhà phê bình cũng chỉ ra sự xuất hiện của “McMindfulness“, khi chánh niệm bị biến thành một giải pháp nhanh gọn (quick fix), hay một công cụ, làm mất đi chiều sâu và khả năng thay đổi thực sự mà nó có thể mang lại. Thêm vào đó, việc chú trọng vào không phán xét trong mindfulness, khi không hiểu và thực hành đúng, có thể dẫn đến một thái độ thụ động, khiến người ta ngại hành động để chống lại bất công xã hội.

Những chỉ trích này nảy sinh khi mindfulness bị lạm dụng, trở thành một trào lưu hời hợt với những công cụ thiếu chiều sâu, dần dần biến thành một “buzzword” (từ khóa phổ biến nhưng thiếu thực chất). Để tránh tình trạng này, các chương trình thúc đẩy mindfulness cần áp dụng một phương pháp toàn diện, xây dựng và duy trì một lối sống tỉnh thức, đưa mindfulness vào mọi khoảnh khắc trong cuộc sống. Mindfulness không chỉ là công cụ giảm căng thẳng hay mang lại sự an lạc tạm thời, mà là một cách sống, là động lực để tạo ra những thay đổi sâu sắc và bền vững. Lối sống tỉnh thức không chỉ là kỹ thuật mà là hành trình liên tục của sự tự nhận thức, tự phản chiếu và lòng từ bi. Nó khuyến khích trách nhiệm cá nhân, công lý xã hội, và giúp mỗi người đối diện với thử thách bằng sự thấu cảm. Thay vì thụ động, mindfulness thúc đẩy hành động khi cần thiết.

Lối sống tỉnh thức là việc áp dụng mindfulness vào từng khoảnh khắc trong ngày, giúp ta sống trọn vẹn với những trải nghiệm hiện tại mà không bị cuốn theo quá khứ hay tương lai. Mindfulness không chỉ là một kỹ thuật mà là một phần của thói quen sống tự nhiên. Khi thực hành mindfulness thường xuyên, nó thay đổi cách ta nhìn nhận và tương tác với thế giới, tạo ra những thay đổi bền vững.

Ban đầu, ta có thể bắt đầu với những kỹ thuật đơn giản như quan sát cơ thể hay chú ý vào hơi thở, nhưng khi đã hiểu sâu sắc bản chất của mindfulness, mọi hoạt động trong cuộc sống đều có thể trở thành cơ hội để thực hành. Mỗi hành động nhỏ, từ việc ăn uống đến trò chuyện, đều có thể được thực hiện với sự tỉnh thức. Lối sống tỉnh thức không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là cách sống cụ thể, nuôi dưỡng sự sáng suốt và bình tĩnh trong mọi tình huống. Các thực hành chính thức và phi chính thức đều quan trọng để tạo dựng một cuộc sống hài hòa và kết nối sâu sắc với bản thân và thế giới xung quanh.

Việc hình thành lối sống tỉnh thức là một quá trình không đơn giản, đòi hỏi sự nỗ lực từ bản thân và sự hỗ trợ từ môi trường xung quanh để duy trì thói quen mới này. Chính những hỗ trợ này từ cộng đồng hay bạn bè sẽ giúp ta vượt qua thói quen cũ và duy trì thói quen có lợi hơn.

Đối với các nhà lãnh đạo và tổ chức, một cách tiếp cận toàn diện về mindfulness rất quan trọng để xây dựng văn hóa tích cực, kiên cường và đạo đức. Thay vì chỉ coi mindfulness chỉ là giải pháp nhanh chóng giúp giảm căng thẳng hay tăng hiệu suất làm việc, phương pháp này cần được xem là hành trình phát triển cá nhân. Các nhà lãnh đạo nên tích hợp mindfulness vào thói quen hàng ngày, mối quan hệ và quy trình ra quyết định. Điều này sẽ nuôi dưỡng lòng từ bi, cải thiện giao tiếp và tăng cường sự hợp tác trong môi trường tổ chức.

Cuối cùng, một tổ chức thực hành mindfulness sẽ khuyến khích sự tham gia chủ động và tư duy phản biện, giúp các nhà lãnh đạo đưa ra quyết định suy nghĩ kỹ lưỡng và có đạo đức, đồng thời nhạy bén với các vấn đề xã hội. Mindfulness giúp duy trì sự rõ ràng và cái nhìn toàn diện, cho phép lãnh đạo hành động với lòng đồng cảm trong những tình huống khó khăn.

Các chương trình trên nền tảng mindfulness

Các chương trình trên nền tảng mindfulness (Mindfulness-Based Interventions – MBIs) đang tạo ra làn sóng quan tâm mạnh mẽ trên toàn thế giới, mang đến cơ hội thiết thực để hình thành và duy trì lối sống tỉnh thức (mindful living). Tại Việt Nam, các chương trình như Search Inside Yourself (trí thông minh cảm xúc dựa trên mindfulness), MBSR (giảm căng thẳng dựa trên mindfulness) và MBSP (thực hành sức mạnh nhân cách dựa trên mindfulness) đã dần trở nên quen thuộc. Được thiết kế với cấu trúc chặt chẽ, thường kéo dài nhiều tuần, những chương trình này không chỉ hỗ trợ sức khỏe tâm lý mà còn tạo ra những giá trị bền vững cho cuộc sống hiện đại.

Các chương trình MBIs thường dựa trên trải nghiệm thực tế, với loạt bài tập mindfulness phong phú như hơi thở ý thức, thiền, quan sát cơ thể (body scan), kết hợp cùng các hoạt động bổ trợ như viết nhật ký, theo dõi suy nghĩ và cảm xúc. Đặc biệt, MBSP là chương trình duy nhất hiện nay định hướng phát triển tích cực, tập trung vào khai phá sức mạnh nhân cách. Những bài thực hành trong MBSP không chỉ giúp nâng cao cảm xúc tích cực mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống và xây dựng các mối quan hệ hài hòa, bền vững.

Điểm sáng nổi bật của MBIs là khả năng giúp người thực hành rèn luyện sự tự điều chỉnh cảm xúc và quản lý phản ứng trước các thách thức nội tại. Bằng cách học cách quan sát suy nghĩ và cảm xúc một cách không phán xét, người tham gia có thể giảm thiểu căng thẳng, lo âu, và nguy cơ trầm cảm. Không chỉ dừng lại ở sức khỏe tâm lý, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng MBIs còn cải thiện đáng kể khả năng tập trung, trí nhớ và chú ý, giúp tăng hiệu suất công việc và chất lượng cuộc sống.

Hơn thế nữa, MBIs còn là công cụ mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sự tự nhận thức và chấp nhận bản thân. Sự hiểu biết sâu sắc hơn về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình giúp cá nhân đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, thay đổi thói quen không lành mạnh và hướng tới một cuộc sống cân bằng. Đặc biệt, MBSP với sự tập trung vào phát triển điểm mạnh nhân cách không chỉ giúp cá nhân vượt qua thách thức mà còn nuôi dưỡng một lối sống tích cực và đầy ý nghĩa.

Tóm lại, các chương trình MBIs cung cấp một phương pháp toàn diện, hiệu quả để xây dựng và duy trì lối sống tỉnh thức. Khi mindfulness được đưa vào thói quen hàng ngày, mỗi cá nhân không chỉ giảm bớt căng thẳng mà còn cải thiện sức khỏe tinh thần, tăng cường chức năng nhận thức và nâng cao nhận thức bản thân. Giữa những phức tạp của cuộc sống hiện đại, MBIs chính là chìa khóa mở ra một cuộc sống tỉnh thức, hài hòa và viên mãn hơn.

Kết Luận

Mindfulness không phải là một thực hành tôn giáo, cũng không phải chỉ là công cụ; đây là một lối sống đơn giản nhưng vô cùng mạnh mẽ, giúp các nhà lãnh đạo và tổ chức xây dựng một môi trường làm việc tích cực, hiệu quả và bền vững. Khi áp dụng lối sống tỉnh thức, các nhà lãnh đạo không chỉ kiểm soát căng thẳng tốt hơn mà còn cải thiện khả năng ra quyết định, thúc đẩy sự sáng tạo và xây dựng đội ngũ gắn kết. Lối sống tỉnh thức không chỉ giúp nâng cao sức khỏe tinh thần và hiệu suất cá nhân mà còn lan tỏa những giá trị tích cực, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tổ chức. Các chương trình dựa trên mindfulness là một công cụ hiệu quả giúp rèn luyện mindfulness và là bước đầu tiên để hình thành và duy trì lối sống tỉnh thức, mang lại lợi ích lâu dài cho cả cá nhân và tổ chức.

Tài liệu tham khảo

Le, T. N., & Trieu, D. T. (2014). Feasibility of a mindfulness-based intervention to address youth issues in Vietnam. Health Promotion International31(2), 470-479.

Le, T. N. (2017). Cultural considerations in a phenomenological study of mindfulness with Vietnamese youth and cyclo drivers. International Perspectives in Psychology6(4), 246-260.

Nguyen, H. T., Nguyen, H. V., & Bui, T. T. (2022). The psychometric properties of the Vietnamese Version of the Five Facet Mindfulness Questionnaire. BMC psychology10(1), 300.

Nguyen, N. P., Wu, H., Evangelista, F., & Nguyen, T. N. Q. (2020). The effects of organizational mindfulness on ethical behaviour and firm performance: Empirical evidence from Vietnam. Asia Pacific Business Review26(3), 313-335.

Le, C. T., & Lee, J. A. (2021). Home visit based mindfulness intervention for vietnamese american dementia family caregivers: a pilot feasibility study. Asian/Pacific Island Nursing Journal5(4), 207.

Baminiwatta, A., & Solangaarachchi, I. (2021). Trends and developments in mindfulness research over 55 years: A bibliometric analysis of publications indexed in web of science. Mindfulness12, 2099-2116.

Zhang, D., Lee, E. K., Mak, E. C., Ho, C. Y., & Wong, S. Y. (2021). Mindfulness-based interventions: an overall review. British medical bulletin138(1), 41-57.

Hofmann, S. G., & Gómez, A. F. (2017). Mindfulness-based interventions for anxiety and depression. Psychiatric clinics40(4), 739-749.

https://greatergood.berkeley.edu/topic/mindfulness/definition

https://www.apa.org/topics/mindfulness

 

TÌM HIỂU THÊM

Menu