Flourishing là một khái niệm còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Với bài viết này, chúng tôi mong muốn cung cấp một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về khái niệm này, giúp bạn hiểu rõ hơn về ý nghĩa của flourishing trong cuộc sống. Bài viết sẽ giới thiệu một định nghĩa được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận rộng rãi, đồng thời khám phá những quan điểm phong phú từ các truyền thống chiêm nghiệm cổ xưa. Từ đó, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành khoa học flourishing, không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân mà còn với sự thịnh vượng chung của xã hội. Qua những chia sẻ này, Flourishing Vietnam hy vọng sẽ làm rõ phương pháp tiếp cận đặc biệt của mình, cùng sứ mệnh tạo ra những điều kiện thuận lợi cho hành trình flourishing của cá nhân và xã hội.
Flourishing là gì?
“Flourishing là kết quả của một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa, nơi mọi khía cạnh trong cuộc đời của một con người đều phát triển hài hòa và tốt đẹp”. Đây là định nghĩa được giáo sư Tyler J. VanderWeele, thuộc Đại học Harvard, đưa ra và đã được đón nhận rộng rãi trong lĩnh vực tâm lý học tích cực cùng các ngành nghiên cứu liên quan.
Định nghĩa này vượt ra ngoài khái niệm hạnh phúc đơn thuần, nhấn mạnh rằng flourishing là trạng thái toàn diện, bao quát những yếu tố cốt lõi trong cuộc sống, cụ thể:
- Hạnh phúc và sự hài lòng với cuộc sống: Trải nghiệm những cảm xúc tích cực và cảm nhận sự mãn nguyện với cách mình đang sống.
- Sức khỏe thể chất và tinh thần: cơ thể khỏe mạnh, tâm trí minh mẫn.
- Ý nghĩa và mục đích sống: Sống với định hướng rõ ràng và cảm thấy cuộc đời mình có giá trị thực sự.
- Nhân cách và đức hạnh: Biểu hiện những phẩm chất đạo đức tốt đẹp như lòng nhân ái, sự chính trực và kiên định.
- Các mối quan hệ xã hội thân thiết: Xây dựng và duy trì những mối quan hệ gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau với gia đình, bạn bè và cộng đồng.
Định nghĩa đa chiều này không chỉ mô tả một trạng thái mà còn phản ánh một hành trình – hành trình hướng tới sự phát triển cân bằng, mạnh mẽ và toàn diện trong mọi lĩnh vực cuộc sống.
Với việc chọn từ Flourishing cho tên của tổ chức, chúng tôi mong muốn truyền tải một sứ mệnh rõ ràng: tạo ra những điều kiện thuận lợi để cá nhân và cộng đồng đạt được sự thịnh vượng thực sự. Đây là trạng thái mà mỗi người đều có cơ hội phát huy tối đa tiềm năng của mình, đạt được sự an lành toàn diện – từ tinh thần, thể chất, đến các mối quan hệ xã hội. Từ đó, chúng ta cùng nhau kiến tạo một xã hội bền vững và hạnh phúc.
Flourishing là một khái niệm sâu rộng, khó có thể diễn đạt trọn vẹn qua một từ duy nhất trong tiếng Việt. Các cách dịch như “viên mãn,” “thịnh vượng,” “hưng thịnh,” hay “phát triển toàn diện” đều phản ánh một phần ý nghĩa, nhưng chưa thể bao quát hết tinh thần mà từ này mang lại. Do đó, chúng tôi giữ nguyên từ Flourishing trong bài viết này, nhằm tôn trọng và giữ gìn ý nghĩa gốc sâu sắc mà nó truyền tải.
Flourishing, cách nhìn từ phương Đông và phương Tây
Từ ngàn đời nay, con người với khát khao sống hạnh phúc, an lành và xây dựng một cuộc đời viên mãn, đã không ngừng tìm kiếm, suy ngẫm và thực hành những giá trị cốt lõi của flourishing, cả trong truyền thống phương Đông lẫn phương Tây. Đối với phương Đông, để cho thuận tiện, chúng tôi xin phép sử dụng từ “thịnh vượng” và “viên mãn” để mô tả cách nhìn và triết lý của truyền thống này về khái niệm flourishing.
Phương Đông
Ở phương Đông, ba hệ triết học lớn quen thuộc với người Việt – Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo – đã định hình những quan niệm sâu sắc về sự thịnh vượng.
Nho giáo coi thịnh vượng là sự hòa hợp giữa sự phát triển cá nhân và trách nhiệm xã hội. Khổng Tử nhấn mạnh việc rèn luyện các đức tính như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín và hoàn thành vai trò trong gia đình và xã hội. Mạnh Tử tin rằng bản tính thiện của con người là nền tảng để giáo dục và rèn luyện đạo đức, qua đó đạt được sự thịnh vượng. Trái lại, Tuân Tử lại cho rằng bản chất con người vốn ích kỷ, và thịnh vượng chỉ đạt được khi cá nhân rèn luyện đạo đức thông qua kỷ luật, lễ nghi và pháp luật để tạo dựng trật tự xã hội.
Đạo giáo lại hướng sự viên mãn về phía hòa hợp với Đạo – nguyên lý tự nhiên chi phối vạn vật trong vũ trụ. Lão Tử đề cao sự giản dị, tự nhiên và hành động không cưỡng ép, theo nguyên tắc vô vi. Trang Tử mở rộng thêm với những tư tưởng về sự tự do, sống thuận theo tự nhiên và thoát khỏi ràng buộc. Đạo giáo khuyến khích một cuộc sống đơn giản, tự do và thấu hiểu quy luật tự nhiên, qua đó đạt được sự viên mãn thực sự.
Trong khi đó, Phật giáo nhấn mạnh hành trình giải thoát khỏi khổ đau và đạt đến giác ngộ, nơi con người tìm thấy hạnh phúc chân thật và sự an lạc nội tâm. Các khái niệm cốt lõi của Phật giáo như Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo hướng dẫn con người nhận thức đúng đắn về khổ đau và con đường giải thoát. Một cuộc sống viên mãn, thịnh vượng, theo Phật giáo, được xây dựng trên nền tảng của giới hạnh, trí tuệ, và sự hiểu biết sâu sắc về chân lý của vạn vật. Chính nhờ việc nhận ra bản chất thực của các hiện tượng, con người có thể đạt được sự tự do tuyệt đối, và mang lại lợi ích cho những người xung quanh. Đây không chỉ là hạnh phúc cho riêng mình mà còn là sự đóng góp ý nghĩa vào sự thịnh vượng của cộng đồng và xã hội.
Tổng hòa lại, ba hệ triết học phương Đông mang đến những góc nhìn phong phú về sự thịnh vượng. Nho giáo đặt trọng tâm vào sự hòa hợp xã hội và trách nhiệm đạo đức trong các mối quan hệ. Đạo giáo tìm kiếm sự tự do và giản dị thông qua việc sống thuận tự nhiên. Phật giáo lại nhấn mạnh vào việc giải thoát khỏi khổ đau và nuôi dưỡng lòng từ bi, trí tuệ.
Những quan điểm này không chỉ cung cấp định hướng để xây dựng một cuộc đời ý nghĩa, mà còn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất đa chiều của sự thịnh vượng – sự hòa quyện giữa trách nhiệm xã hội, sự tự do cá nhân, và hành trình nội tâm để tìm thấy hạnh phúc bền vững.
Phương Tây
Các triết lý phương Tây, đặc biệt là tư tưởng từ Hy Lạp cổ đại và Kitô giáo, đã định hình một cách nhìn sâu sắc và phong phú về flourishing, tập trung vào giá trị của tự chủ cá nhân, lý trí và thành tựu.
Trong triết học Hy Lạp, Aristotle và Plato coi flourishing là sự phát triển toàn diện về trí tuệ và đạo đức, đạt được qua lý trí và hành động hài hòa giữa trí tuệ, đức hạnh, và hạnh phúc. Aristotle nhấn mạnh eudaimonia – hạnh phúc đích thực – như một trạng thái lâu dài và bền vững, vượt xa niềm vui tạm thời (hedonia).
Triết học Kitô giáo nhìn flourishing là sự gắn kết với tình yêu thiêng liêng, sự cứu rỗi, và lòng từ bi. Với trọng tâm là yêu thương và hy vọng, Kitô giáo hướng tới không chỉ hạnh phúc cá nhân mà còn đóng góp cho cộng đồng qua tình yêu thương và lòng vị tha.
Vào thế kỷ 20, tâm lý học tích cực – một lĩnh vực mới mẻ và đầy tiềm năng – đã mở rộng khái niệm về flourishing. Một trong những mô hình nổi bật nhất về human flourishing được phát triển bởi Peter Seligman, cha đẻ của tâm lý học tích cực, là mô hình PERMA. Mô hình này định nghĩa flourishing như một trạng thái lý tưởng mà con người đạt được thông qua năm yếu tố:
- Positive Emotions (Cảm xúc tích cực): Tận hưởng những niềm vui và cảm giác hài lòng.
- Engagement (Sự gắn kết): Tham gia sâu sắc vào các hoạt động mang lại ý nghĩa.
- Relationships (Các mối quan hệ): Xây dựng và duy trì kết nối xã hội lành mạnh.
- Meaning (Ý nghĩa): Sống với mục đích và cảm nhận giá trị lớn lao trong cuộc sống.
- Accomplishment (Thành tựu): Đạt được các mục tiêu cá nhân và cảm thấy tự hào về bản thân.
Mô hình PERMA không chỉ cung cấp một khung lý thuyết vững chắc để hiểu về flourishing, mà còn giúp định hướng các chiến lược cải thiện chất lượng cuộc sống cả ở cấp độ cá nhân và cộng đồng.
Trong bài báo có ảnh hưởng lớn On the Promotion of Human Flourishing (2017) với hơn 1.000 trích dẫn, giáo sư Tyler J. VanderWeele đã cố gắng phác họa một bức tranh toàn diện về lĩnh vực nghiên cứu human flourishing. Bài báo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có những chỉ số đo lường sự thịnh vượng để định hướng phát triển lĩnh vực này và hỗ trợ việc hoạch định các chính sách xã hội nhằm nâng cao hạnh phúc toàn diện của con người. Những chỉ số đo lường này bao gồm: hạnh phúc và sự hài lòng với cuộc sống, sức khỏe (cả tâm lý và thể chất), ý nghĩa và mục đích, nhân cách và đức hạnh, các mối quan hệ xã hội gần gũi. Những chỉ số này sẽ giúp đo lường sự thịnh vượng một cách toàn diện, bổ sung cho những đo lường còn hạn chế, vốn chỉ tập trung vào hạnh phúc và sự hài lòng với cuộc sống.
Nhìn chung, triết lý phương Tây về flourishing bao gồm sự kết hợp giữa phát triển cá nhân, mối quan hệ với người khác và sự đóng góp vào xã hội. Mỗi hệ tư tưởng – từ Hy Lạp cổ đại đến Kitô giáo và tâm lý học tích cực – đều bổ sung một chiều sâu riêng biệt, làm phong phú thêm khái niệm về một cuộc sống viên mãn, hài hòa và có ý nghĩa.
Tại sao cần quan tâm tới Flourishing?
Trong một thế giới đầy biến động, bất định và thay đổi nhanh chóng, liệu khái niệm flourishing có còn thực tế và cần thiết? Chúng tôi tin rằng flourishing không phải là một khái niệm xa vời, mà là một điều có thể phát triển ở bất kỳ hoàn cảnh, thời đại nào. Dù ở đâu hay khi nào, flourishing luôn là khao khát sâu thẳm của mỗi con người. Với sự hiểu biết đúng đắn và công cụ phù hợp, mỗi chúng ta đều có thể tạo dựng một cuộc sống đầy đủ yếu tố của flourishing. Flourishing không phải là đích đến cuối cùng mà là một hành trình không ngừng cải thiện, vượt qua thử thách, phát triển từ nội lực và sự hỗ trợ từ thế giới xung quanh.
Liệu quan tâm đến flourishing của bản thân có phải là ích kỷ? Thực ra, flourishing cá nhân không chỉ có lợi cho chính bản thân mà còn cho những người xung quanh và toàn xã hội. Khi một cá nhân đi trên hành trình đó, họ không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của mình mà còn tạo ra ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng. Flourishing cá nhân thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội, từ các mối quan hệ cá nhân đến những đóng góp cho công việc và môi trường xung quanh.
Doanh nghiệp và lãnh đạo đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy flourishing. Một tổ chức muốn phát triển bền vững cần phải chú trọng đến sự thịnh vượng không chỉ của bản thân doanh nghiệp mà còn của nhân viên, khách hàng và cộng đồng. Lãnh đạo không chỉ đơn thuần là người dẫn dắt chiến lược và đạt được các mục tiêu kinh doanh, mà còn phải là người truyền cảm hứng, thúc đẩy môi trường làm việc lành mạnh, nơi mà mỗi cá nhân đều có cơ hội phát triển, sáng tạo và tìm thấy ý nghĩa trong công việc. Khi các nhà lãnh đạo quan tâm đến flourishing của nhân viên, họ không chỉ tăng cường năng suất và sự gắn kết mà còn giúp xây dựng một văn hóa tổ chức mạnh mẽ, sáng tạo và có trách nhiệm.
Flourishing cũng có tác động mạnh mẽ đến môi trường kinh doanh. Một xã hội và nền kinh tế với nhiều cá nhân flourishing sẽ tạo ra một lực lượng lao động khỏe mạnh, hạnh phúc và có động lực cao, điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng mà còn thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và bền vững. Thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các doanh nghiệp chú trọng đến sự phát triển toàn diện của nhân viên và cộng đồng không chỉ có kết quả tài chính tốt hơn mà còn đóng góp vào sự phát triển xã hội chung.
Do đó, việc quan tâm đến flourishing không phải là một sự ích kỷ cá nhân mà là cam kết đối với chính bản thân, cộng đồng và xã hội. Flourishing giúp mỗi cá nhân và tổ chức tìm thấy ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống và công việc, đồng thời tạo ra một môi trường tốt đẹp hơn, nơi mọi người cùng phát triển, hướng tới sự thịnh vượng chung. Trong bối cảnh hiện đại, flourishing chính là yếu tố không thể thiếu để xây dựng một xã hội công bằng, sáng tạo và bền vững.
Flourishing theo cách nhìn của Flourishing Vietnam
Flourishing Vietnam tin rằng con đường để sống một cuộc đời trọn vẹn, viên mãn đến từ sự kết hợp hài hòa giữa trí tuệ cổ xưa và khoa học hiện đại. Chúng tôi áp dụng phương pháp tiếp cận của khoa học chiêm nghiệm, lựa chọn những tinh hoa từ truyền thống chiêm nghiệm kết hợp với các nghiên cứu khoa học đã được kiểm chứng. Mục tiêu của chúng tôi là mang đến những phương pháp thực tiễn, đáng tin cậy, có cơ sở khoa học vững chắc, giúp mỗi cá nhân phát triển toàn diện.
Flourishing không chỉ là hạnh phúc hay thành công đơn thuần, mà là sự phát triển cân bằng ở mọi khía cạnh của cuộc sống: từ sức khỏe thể chất, tinh thần đến trí tuệ, sự nghiệp, các mối quan hệ và cả những hoạt động tái tạo. Và chìa khóa để đạt được sự cân bằng này chính là mindful living – sống tỉnh thức. (Chúng tôi sẽ chia sẻ chi tiết hơn về mindful living trong một bài viết khác, với những phân tích sâu sắc và hướng dẫn cụ thể).
Tại Flourishing Vietnam, các giải pháp tiêu chuẩn quốc tế sẽ được truyền tải bởi các chuyên gia giàu kinh nghiệm, những người đã và đang áp dụng những phương pháp này vào chính cuộc sống của họ. Chúng tôi mong muốn tạo ra một môi trường hỗ trợ tối đa, giúp người tham gia khám phá tiềm năng của bản thân và kiến tạo một cuộc sống ý nghĩa, trọn vẹn.
Tài liệu tham khảo
VanderWeele, T. J. (2017). On the promotion of human flourishing. Proceedings of the National Academy of Sciences, 114(31), 8148-8156.
Seligman, M. E. (2011). Flourish: A visionary new understanding of happiness and well-being. Simon and Schuster.
Dahl, C. J., & Davidson, R. J. (2019). Mindfulness and the contemplative life: pathways to connection, insight, and purpose. Current opinion in psychology, 28, 60-64.
Wallace, B. A. (2007). Contemplative science: Where Buddhism and neuroscience converge. Columbia University Press.
Dhiman, S. (2023). New Horizons in Workplace Well-Being. Springer.