Tại sao Sức Mạnh Nhân Cách là Nền Tảng cho sự Thịnh Vượng của Tổ Chức

Đây là bài viết được Flourishing Vietnam biên dịch từ trang web của VIA Institute on Character (Why Character Strengths Are Foundational to Organizational Flourishing). Bài viết này bao gồm những chia sẻ từ Tiến sĩ Suzy Green, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Viện Positivity, trong cuộc trò chuyện gần đây với Viện VIA.

Thuật ngữ Flourishing trong bối cảnh tổ chức/doanh nghiệp được chúng tôi tạm dịch là “sự Thịnh vượng” với ý nghĩa bao gồm sự phát triển bền vững, hạnh phúc và viên mãn về mọi mặt.

Hiện nay đang xuất hiện ngày càng nhiều chỉ trích về hiện tượng mà một số người gọi là “wellbeing washing” hay “wellness washing” – thuật ngữ chỉ những chương trình về sức khỏe tinh thần trong tổ chức chỉ mang tính chất tiếp thị chứ không thực sự mang lại lợi ích về sức khỏe. Khi ban lãnh đạo tuyên bố ủng hộ sức khỏe và hạnh phúc của nhân viên nhưng chỉ thực hiện các thay đổi hời hợt, nhân viên sẽ nhanh chóng nhận ra và gắn mác đó là “wellbeing washing”. Thuật ngữ này bắt nguồn từ “whitewashing” – chỉ việc quảng bá sai lệch nhằm che đậy các vụ bê bối hoặc sai phạm.

Chúng tôi đã hỏi Tiến sĩ Suzy Green về mức độ phổ biến của hiện tượng wellbeing washing trong cuộc trò chuyện gần đây. Bà giải thích rằng vấn đề này đặc biệt đáng quan tâm tại quê nhà của bà – nước Úc – do áp lực từ các quy định pháp lý và xu hướng của các nhà lãnh đạo tổ chức cho rằng họ có thể giải quyết các thách thức phức tạp bằng những giải pháp đơn giản. Bà cũng nêu rõ lý do tại sao các chương trình hỗ trợ dựa trên sức mạnh nhân cách lại không đi theo xu hướng hời hợt đó, vì đặc tính của các sức mạnh nhân cách là mang lại sự thay đổi tích cực bền vững. Trong phần chia sẻ dưới đây, Ts. Suzy giải thích rằng việc củng cố các hoạt động kinh doanh then chốt như tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân viên, cũng như hành vi lãnh đạo thông qua sức mạnh nhân cách có thể hỗ trợ sức khỏe tinh thần trong tổ chức theo cách có ý nghĩa và mục đích rõ ràng đối với nhân viên.

Tại Úc, chúng tôi là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật liên quan đến sức khỏe và an toàn tâm lý. Có một tiêu chuẩn quốc tế mà nhiều quốc gia đã áp dụng, nhưng Úc là nước đầu tiên biến nó thành luật.

Đây là điều tích cực theo nhiều cách, nhưng cũng có thể dẫn đến hiện tượng wellbeing washing theo kiểu “đánh dấu hoàn thành nhiệm vụ”. Ví dụ, tổ chức chỉ cần nói rằng: ‘Chúng tôi đã thực hiện một chương trình hỗ trợ dựa trên thế mạnh nhân cách’. Và như tất cả chúng ta đều biết, việc tổ chức một buổi hội thảo về sức mạnh nhân cách một lần duy nhất thì có vẻ rất hay và thú vị.

Nhưng thực tế là, mọi người thường không ghi nhớ được những gì họ học được trong một buổi như vậy. Sau một tháng quay lại, không ai nhớ nổi sức mạnh của mình là gì. Tôi nghĩ đó là thách thức lớn nhất hiện nay – với tư cách là những huấn luyện viên và chuyên gia tư vấn dựa trên sức mạnh – là làm thế nào để chuyển từ kiến thức về sức mạnh sang việc sử dụng sức mạnh và nhận diện sức mạnh.

Đây chính là cơ hội thực sự, bởi vì sức mạnh không phải là một chương trình hỗ trợ nhất thời. Sức mạnh nhân cách phản ánh con người chúng ta. Bất kể tôn giáo, văn hóa hay triết lý sống của bạn là gì, tôi tin rằng ai cũng có thể liên hệ theo một cách nào đó với các đức hạnh và sức mạnh nhân cách.

Theo quan điểm của tôi, sức mạnh nhân cách là nền tảng, và chúng giúp chúng ta suy nghĩ một cách chiến lược hơn về kết quả bền vững trong các hoạt động hàng ngày như tuyển dụng, hội nhập nhân sự, phát triển và thậm chí là hỗ trợ khi nghỉ việc. Một nhà lãnh đạo từng nói với tôi: “Năng suất là quan trọng, nhưng sức khỏe tinh thần là con đường dẫn tới năng suất.” Tôi tin rằng sức mạnh nhân cách là điểm khởi đầu tuyệt vời cho khoa học hạnh phúc và do đó là nền tảng cho sự thịnh vượng của đội nhóm, và cuối cùng là hiệu suất làm việc.
Khi xét đến góc nhìn hợp tác trong nhóm, ta có thể thấy sức mạnh nhân cách thiết lập một ngôn ngữ chung hỗ trợ sự thịnh vượng khi có căng thẳng hoặc xung đột, bằng cách xây dựng lòng trắc ẩn giữa các thành viên. Điều này làm tôi nhớ đến công trình quan trọng mà Tiến sĩ Jane Dutton và Tiến sĩ Monica Worline đang phát triển để nâng cao lòng trắc ẩn trong tổ chức. Khi chúng ta áp dụng cách tiếp cận dựa trên sức mạnh để nhìn nhận người khác, ngôn ngữ này trở thành chất xúc tác cho lòng trắc ẩn tại nơi làm việc – điều mà con người cần để phát triển.

Tiến sĩ Suzy Green

Tiến sĩ Suzy Green là Nhà Tâm lý học lâm sàng và huấn luyện viên, đồng thời là Giám đốc điều hành của Viện Positivity. Bà là đồng biên tập của các cuốn sách “Positive Psychology Coaching in Practice”“Positive Psychology Coaching in the Workplace”. Ts. Suzy đã giảng dạy tại Đơn vị Tâm lý học Huấn luyện, Đại học Sydney suốt 10 năm và hiện là Giáo sư Danh dự tại Trường Kinh doanh UTS, Sydney và Đại học East London. Bà cũng là Nghiên cứu viên danh dự tại Trung tâm Khoa học Hạnh phúc, Đại học Melbourne, Phó Chủ tịch Danh dự của Hiệp hội Quốc tế về Tâm lý học Huấn luyện, thành viên liên kết của Viện Well-Being tại Đại học Cambridge, và là thành viên Hội đồng Cố vấn Khoa học của Coach Hub.

TÌM HIỂU THÊM

Menu