Xung đột thế hệ với Gen Z: Từ định kiến đến hiểu biết
Hiện ở Việt Nam, tính đến năm 2025, thế hệ Z sẽ chiếm khoảng 25% lực lượng lao động quốc gia (Nielsen). Là lực lượng lao động của hiện tại, tương lai và được kỳ vọng mang lại đột phá, gen Z lại thường bị gắn với các nhãn “lười biếng”, “ảo tưởng”, “không chịu hợp tác”… là “nhân tố gây rối” và đang tạo ra nhiều xung đột nội bộ trong doanh nghiệp. Trong một khảo sát được thực hiện từ tháng 4-9 năm nay tại Việt Nam do Anphabe công bố tại hội nghị 100 nơi làm việc tốt nhất, với sự tham gia của gần 64.000 người đi làm, có đến 75% cảm thấy xung đột thế hệ với gen Z.
Tuy nhiên, những nhận định dành cho GenZ này có thực sự công bằng hay chỉ là định kiến đến từ sự khác biệt? Doanh nghiệp đang phản ứng như thế nào?
Doanh nghiệp và sự thiếu thiện cảm với thế hệ Gen Z
Theo một báo cáo của Intelligent, doanh nghiệp đang ngần ngại tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp và 75% cho biết một số hoặc tất cả Gen Z không đáp ứng kỳ vọng. Trong đó, nguyên nhân được nêu thường xuyên nhất là thiếu động lực với 50%, thiếu tính chuyên nghiệp 46% và kỹ năng giao tiếp kém 39%. Ở Việt Nam, không khó để bắt gặp các ý kiến phàn nàn rằng Gen Z đòi hỏi quá nhiều nhưng cống hiến chưa đủ, “khó chiều” và thích “vung tiền sống yolo”. Khi lao động không đạt yêu cầu, việc ngừng tuyển dụng chắc chắn không phải là giải pháp.
Định kiến tạo ra rào cản
Đứng từ góc độ của Gen Z, Một nghiên cứu mới nhất của Intelligent vào tháng 11 cho thấy 4/5 nhân viên Gen Z cảm thấy bị đối xử bất công vì những định kiến thế hệ. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ hội thăng tiến mà còn tạo ra môi trường làm việc độc hại, nơi họ không thể phát huy hết khả năng. Những áp lực này khiến nhiều người trẻ cảm thấy bị cô lập, không được tôn trọng và khó hòa nhập vào văn hóa doanh nghiệp. Với những trải nghiệm tiêu cực như vậy ở nơi làm việc, cũng không khó hiểu khi nhìn lại phàn nàn của doanh nghiệp về sự thiếu động lực và cống hiến của Gen Z.
Bảng: Các trải nghiệm khó khăn của Gen Z tại môi trường làm việc
Không chỉ gây ra thách thức với thị trường việc làm, khác biệt thế hệ còn khiến nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam khó tìm người kế nghiệp. Theo Khảo Sát Doanh Nghiệp Gia Đình Việt Nam của Pwc năm 2023, 42% cho biết giữa thế hệ kế nghiệp và đương nhiệm thiếu tin tưởng lẫn nhau, 64% chủ doanh nghiệp gia đình Việt nói xung đột thường xảy ra nhưng lại chưa chú trọng xây dựng niềm tin giữa các thế hệ đương nhiệm và kế cận.
Thay đổi góc nhìn với khoa học tâm lý
Qua một thập kỷ nghiên cứu về sức mạnh nhân cách (character strengths) , việc chỉ ra lỗi lầm và phàn nàn thực tế không giúp chúng ta tiến bộ và phát triển, nhưng việc tìm ra điểm mạnh thì có thể và sẽ làm được điều đó.
Trong một bài viết trên tạp chí Psychology Today, Tiến sỹ tâm lý Ryan M. Niemiec cho rằng Gen Z là một thế hệ vô cùng mạnh mẽ và dẫn chứng nhiều số liệu. Nghiên cứu từ Khảo sát VIA (the Values in Action Survey là một công cụ khảo sát khoa học với hơn 30 triệu dữ liệu toàn cầu nhằm xác định các giá trị tích cực và phẩm chất tốt đẹp nhất trong mỗi con người) cho thấy Gen Z có những thế mạnh vượt trội như sự trung thực (honesty), tử tế (kindness), và công bằng (fairness). Các phẩm chất như sự hiếu kỳ, ham học hỏi, sự trân trọng cái đẹp/sự xuất sắc, và lòng vị tha đã có xu hướng giảm dần qua bốn thế hệ trước (Silents, Baby Boomers, Gen X, và Millennials). Tuy nhiên, Gen Z đã phá vỡ xu hướng này khi có sự gia tăng ở ba phẩm chất đầu tiên, đánh dấu một bước chuyển tích cực và đáng chú ý so với các thế hệ trước.
Một khảo sát năm 2023 của XYZ@Work về phát triển môi trường làm việc đa thế hệ, cũng chỉ ra điểm chung lớn nhất của thế hệ này chính là mong muốn tạo ra giá trị xã hội (social impact). Có 88% Gen Z thể hiện nhu cầu “muốn tạo ra giá trị xã hội” khi tìm kiếm một công việc mới. Họ mong muốn được làm việc tại những công ty có đóng góp vào giải quyết các vấn đề xã hội như bất bình đẳng, giáo dục, phát triển bền vững, đói nghèo và biến đổi khí hậu.
Đây là những phẩm chất quý giá, đáng trân trọng và hoàn toàn phù hợp với môi trường làm việc và nền kinh tế hiện đại.
Phát triển dựa trên điểm mạnh và giải quyết xung đột thế hệ
Định kiến không chỉ gây rào cản mà còn làm lãng phí tiềm năng phát triển của một thế hệ. Thay vì chỉ trích, các nhà quản lý có thể hướng sang việc khám phá điểm mạnh của từng thế hệ. Gen Z mang lại sự đổi mới và khả năng thích ứng nhanh với công nghệ mới, trong khi các thế hệ trước đóng góp kinh nghiệm và sự ổn định. Nhìn nhận đúng giá trị của từng cá nhân không chỉ giảm xung đột mà còn tăng cường sự hợp tác, tạo ra một tập thể mạnh mẽ hơn.
Gen Z có thể trở thành tài sản của doanh nghiệp với môi trường làm việc và cách quản lý, đào tạo và phát triển phù hợp:
Kết nối với tầm nhìn tổ chức
Để khai thác tối đa tiềm năng của Gen Z, doanh nghiệp cần hiểu rõ động lực sâu sắc của thế hệ này: khát vọng tạo ra giá trị xã hội và tìm kiếm ý nghĩa trong công việc. Việc kết nối mục tiêu cá nhân với sứ mệnh tổ chức là yếu tố then chốt để kích thích sự cống hiến và sáng tạo của họ.
Gen Z đặc biệt coi trọng sự hòa hợp giữa khát vọng cá nhân và mục tiêu chung. Họ tìm kiếm môi trường làm việc phản ánh giá trị cá nhân, nơi họ có thể đóng góp vào một sứ mệnh lớn lao hơn. Hiểu rõ tầm quan trọng của ý nghĩa công việc đối với Gen Z, việc tạo cơ hội cho họ đảm nhận những vai trò giúp thấy được kết quả từ nỗ lực cá nhân và cảm nhận sự khác biệt mà họ tạo ra, không chỉ cho tổ chức mà còn cho xã hội, sẽ thúc đẩy sự gắn kết và lòng trung thành của họ.
Các nhà quản lý cũng cần thường xuyên làm rõ kỳ vọng, mục tiêu và các chỉ số hiệu suất, đồng thời giao tiếp liên tục về sứ mệnh, giá trị và chiến lược của công ty. Điều này sẽ đáp ứng đúng những gì Gen Z tìm kiếm: sự hiểu biết sâu sắc về “lý do” đằng sau các nhiệm vụ, từ đó tạo ra một cảm giác rõ ràng về mục đích và trách nhiệm.
Thúc đẩy hợp tác công bằng và trung thực
Đặc biệt, Gen Z rất coi trọng sự minh bạch, bình đẳng và tinh thần hợp tác trong môi trường làm việc. Để phát huy những giá trị này, doanh nghiệp cần tạo dựng một văn hóa cởi mở, tin tưởng và bao dung, nơi nhân viên cảm thấy an toàn khi chia sẻ ý kiến một cách trung thực và tôn trọng. Các nhà quản lý nên khuyến khích làm việc nhóm, thúc đẩy sự hợp tác giữa các phòng ban và cung cấp các nền tảng để chia sẻ kiến thức, trao đổi ý tưởng. Điều này giúp Gen Z tiếp cận được các khía cạnh khác nhau của doanh nghiệp, từ đó xây dựng sự hiểu biết toàn diện về tổ chức và vai trò của mình trong đó. Môi trường như vậy không chỉ hỗ trợ sự phát triển cá nhân mà còn đóng góp vào thành công chung của tổ chức.
Tôn vinh thành tựu, trân trọng điểm mạnh
Tôn vinh thành tựu, dù lớn hay nhỏ, là yếu tố quan trọng giúp nâng cao sự hài lòng và phát triển nghề nghiệp của nhân viên, đặc biệt là Gen Z. Sự công nhận giúp họ cảm thấy có giá trị và được đánh giá cao, tạo động lực để sáng tạo và cam kết lâu dài với công ty. Gen Z sẽ phát triển mạnh mẽ khi điểm mạnh của họ được trân trọng, từ đó củng cố lòng tự trọng và sự tự tin.
Sự công nhận còn góp phần xây dựng văn hóa tổ chức tích cực, khuyến khích nhân viên phát huy tối đa khả năng. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển cá nhân mà còn giúp xây dựng một đội ngũ gắn bó, trung thành, đóng góp lâu dài vào sự phát triển bền vững của tổ chức.
Lời Kết
Gen Z không phải là một thế hệ “gây rối” như nhiều người vẫn nghĩ. Với sự tò mò, tử tế, công bằng, và khát khao tạo ra giá trị xã hội, họ chính là chìa khóa cho sự đổi mới và phát triển bền vững. Việc doanh nghiệp chuyển đổi từ việc chỉ trích sang khai thác điểm mạnh không chỉ có thể giải quyết được xung đột thế hệ mà còn góp phần xây dựng một môi trường làm việc cảm hứng và hiệu quả hơn, biến xung đột thành cơ hội để học tập và phát triển.
Tài liệu tham khảo
VIA Institute on Character: World database on character strengths
McGrath, R. E. (2015). Character strengths in 75 nations: An update. Journal of Positive Psychology, 10(1), 41–52. http://doi.org/10.1080/17439760.2014.888580
Niemiec, R. M. (2017). Gen Z: A Strong Generation. New Data on Why. Found on Psychology Today.
Niemiec, R. M. (2015). Baby Boomers, Gen X, Millennials: Are strengths decreasing? Found on Psychology Today.
Intelligent.com. (2024). 1 in 6 companies are hesitant to hire recent college graduates. Retrieved December 5, 2024, from https://www.intelligent.com/1-in-6-companies-are-hesitant-to-hire-recent-college-graduates/
Intelligent.com. (2024). 4 in 5 Gen Z employees say they’re victims of generational stereotypes costing them jobs and promotions. Retrieved December 5, 2024, from https://www.intelligent.com/4-in-5-gen-z-employees-say-theyre-victims-of-generational-stereotypes-costing-them-jobs-and-promotions/
XYZatWork. (2023). 2023 Purpose Study. XYZatwork.
PwC Vietnam. (2023). Vietnam Family Business Survey 2023. PwC Vietnam.